Khi tôi dạy tiếng Anh ở một công ty, được rủ đi uống bia ở quán nhậu bờ kè. Nhiều lần, các học viên qua đường, tè thẳng xuống kênh. Tôi nói đó là một hành vi không được chấp nhận ở Singapore, họ cười: “Đó là kiểu Việt Nam đó”
Một số nơi ở Việt Nam đã bắt đầu sử dụng camera ghi hình để phạt “nguội” những hành vi vi phạm vệ sinh môi trường như xả rác, tiểu tiện bừa bãi, phóng uế… Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của một số người nước ngoài về câu chuyện này.
Anh Darren Chua (người Singapore):
Là một người nước ngoài sống ở Việt Nam đến nay đã sáu năm, tôi đến đây với đôi mắt rộng mở và không phán xét gì việc làm của người dân địa phương. Nhiều lần khi tôi bình luận gì về một chủ đề nào đó, bạn bè tôi thường sẽ bảo: “Ôi Darren ơi, đó là kiểu Việt Nam đó!”.
Cách đây ba năm, khi tôi còn dạy tiếng Anh cho nhân viên một công ty, buổi tối tôi được rủ đi uống bia sau giờ học tại một quán nhậu dọc bờ kè. Và nhiều lần, các học viên của tôi cứ băng qua đường và… tè thẳng xuống dòng kênh.
Khi tôi nói rằng đó là một hành vi không được chấp nhận ở Singapore, họ cười nói: “Ôi thầy ơi, thầy không hiểu rồi, đó là kiểu Việt Nam đó”.
Mới hồi cuối tháng 5 năm nay ở Singapore, một người đàn ông đã bị phạt 300 đôla Singapore (khoảng 5 triệu đồng) tội xả rác vì… búng hai cọng dây thun ra đường.
Trước đó từng có trường hợp một người ném rác từ tòa nhà cao tầng xuống và bị phạt 19.800 đôla Singapore (khoảng 333 triệu đồng).
Anh Darren Chua
Tôi nghĩ để làm cho Việt Nam ngày một sạch đẹp hơn, chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục, không phải phạt nguội bằng việc ghi hình camera. Giáo dục thế hệ trẻ rằng mọi người ai cũng có nghĩa vụ giữ cho môi trường sạch đẹp.
DARREN CHUA
Bình thường, những người có hành vi vi phạm trật tự và mỹ quan nơi công cộng sẽ bị phạt tiền, nếu tái diễn sẽ phải đi dọn dẹp công viên hoặc bãi biển. Mọi trẻ em ở Singapore đều biết rằng xả rác là hành vi không đúng, và xả rác nơi công cộng sẽ mang lại hậu quả không tốt.
Tôi chắc rằng trước khi được như bây giờ, Singapore cũng từng có thời gian mà hành vi xả rác còn phổ biến. Kể từ năm 1970, Chính phủ Singapore đã thực hiện nhiều bước nhằm biến Singapore thành một “thành phố vườn” và chuyện đó đã được duy trì đến ngày hôm nay.
Tôi nghĩ mọi người nên có ý thức hơn về hành động của mình và thận trọng hơn để đưa ra quyết định sáng suốt trong cuộc sống hằng ngày.
Như sự việc một người phụ nữ “tè” trong thang máy gần đây ở Hà Nội, khi quyết định thực hiện hành vi đó trong thang máy, việc bạn của cô ấy che camera cho thấy rằng cô ấy biết việc mình làm là sai, và người bạn của cô ấy cũng ủng hộ.
Tôi nghĩ để làm cho Việt Nam ngày một sạch đẹp hơn, chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục, không phải phạt nguội bằng việc ghi hình camera. Giáo dục thế hệ trẻ rằng mọi người ai cũng có nghĩa vụ giữ cho môi trường sạch đẹp.
Như ở Nhật, họ không có nhân viên dọn vệ sinh trường, mà chính học sinh có trách nhiệm giữ gìn trường của mình sạch sẽ.
Ngoài ra, có thể bắt những người có hành vi vi phạm tái diễn nhiều lần đi lao động công ích và đăng tải việc đó trên báo chí.
Khi người ta biết được nếu vi phạm thật sự sẽ bị như vậy, họ sẽ nỗ lực một cách có ý thức để không xả rác. Thêm vào đó là việc bố trí thùng rác hợp lý cho người dân bỏ rác.
Tôi nghĩ nếu Singapore làm được, Việt Nam cũng làm được. Có thể sẽ có người tranh cãi rằng Singapore chỉ là một thành phố nhỏ với 6 triệu dân, còn Việt Nam có đến 90 triệu người. Biết là khó, thế nhưng tôi nghĩ đã vậy thì càng phải có những bước quyết liệt hơn.
Anh Richaldo (người Indonesia):
Camera giúp hạn chế nhiều hành vi không đẹp
Anh Richaldo (người Indonesia)
Ở Jakarta, thủ đô của Indonesia, bạn chắc chắn có thể gặp những hành vi không đẹp mắt như xả rác bừa bãi, khạc nhổ và “tè” bậy.
Chúng tôi không có luật nào để hạn chế những hành động như vậy nhưng chúng tôi có quy định đối với việc xả rác, mức phạt có thể là phạt hành chính hoặc một vài ngày trong tù.
Những ai bức xúc về những hành động không đẹp này có thể báo với nhà chức trách. Tùy thuộc vào loại vi phạm và ảnh hưởng của nó đến môi trường, người dân có thể báo cho cơ quan bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nếu hành động đó thiên về phá hoại, vi phạm giao thông, người dân có thể báo cho cảnh sát. Tuy nhiên, theo tôi, phần lớn mọi người sẽ chỉ làm ngơ.
Từ năm 2015, Indonesia bắt đầu lắp các máy quay an ninh trên đường phố và tăng dần số lượng các camera này mỗi năm. Hiện nay phần lớn các khu vực ở Jakarta đều có camera giám sát.
Rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi chúng tôi lắp nhiều camera trên đường phố và người dân hiểu rằng họ có thể bị ghi hình nếu có hành vi không đẹp, toàn bộ hành động của họ có thể gây “bão” trên mạng xã hội hoặc bị phạt nguội sau đó.
Đã từng có trường hợp một người lén đổ rác xuống sông và sau khi truy xuất camera an ninh, nhà chức trách đã tìm đến anh ta để xử lý. Rất nhiều vụ vi phạm về giao thông khác được người dân đăng trên mạng xã hội và thu hút rất nhiều sự quan tâm trước khi nhà chức trách vào cuộc.
Tôi nghĩ việc lắp camera giám sát ngoài đường phố là một điều đúng đắn và hữu ích. Tuy nhiên, để hạn chế những hành động không đẹp nơi công cộng, nhất thiết phải đi cùng với việc thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật và tuyên truyền, giáo dục người dân.
Tôi nghĩ Việt Nam có thể làm giống Indonesia là lắp nhiều camera trên đường phố. Điều này thực sự có tác dụng hạn chế những hành vi không đẹp.
Mỹ xử sao với hành vi mất mỹ quan đô thị?
Ở Mỹ, việc đi “tè” bậy hoặc phóng uế nơi công cộng có thể bị phạt tiền hoặc phải ở tù, mức phạt là 1.000 USD và bị tù đến 6 tháng, dù vậy khả năng bị tù trong trường hợp này có thể khá thấp.
Nếu bạn bị buộc tội phơi bày cơ thể một cách phản cảm, mức phạt sẽ còn nặng hơn. Cảnh sát hoàn toàn có quyền bắt những ai xả rác bừa bãi và mức phạt thường là 1.000 USD.
Đối với những trường hợp đậu xe sai quy định, chủ xe sẽ nhận được biên bản của cảnh sát. Một số trường hợp cảnh sát sẽ gắn thiết bị để khóa bánh xe của bạn hoặc cho cẩu xe của bạn đi.
Để lấy lại xe về sau khi xe bị kéo đi như vậy, chủ xe sẽ bị phạt tiền và trả các chi phí phát sinh. Người vẽ graffiti bậy bạ ở nơi công cộng có thể bị phạt và bị bắt nếu vi phạm nhiều lần, đặc biệt nếu họ làm bẩn nơi công cộng hoặc công trình riêng.
Tôi cho rằng giáo dục sẽ là chìa khóa để giúp người dân sống văn minh hơn.
Ở Việt Nam, tôi có nhiều người bạn đã thực hành và dạy con họ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giữ cho môi trường sạch sẽ. Các bé được dạy hãy đi vệ sinh đúng chỗ, bỏ rác đúng nơi quy định.
Tôi tin rằng những hành động này rất cần thiết để dẫn đến sự thay đổi tích cực và lớn lao về sau.
Có một tổ chức ở Đà Lạt (Bee Garden) đã xử lý rác hữu cơ trong vườn của họ và họ cắm biển báo để hàng xóm có thể bỏ rác hữu cơ ở vị trí này. Đây là một ví dụ về hành động đẹp giúp xã hội đẹp hơn.