Nếu không may mắn gặp phải sự cố trong thang máy, bạn phải thuộc nằm lòng một số kỹ năng cơ bản để thoát hiểm.
Mới đây, nam thanh niên Sài Gòn bị thang máy kẹp cổ khi đang vận hành thang đã khiến người ta hoảng sợ và lo ngại về loại hình vận chuyển này. Vụ tai nạn này nối dài thêm những tai nạn thang máy, sự cố xảy ra thời gian đầu năm 2018. Nếu rơi vào những trường hợp thang máy gặp sự cố, bạn cần trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về thang máy, nguyên nhân gặp sự cố cũng như cách xử lý khi rơi vào tình huống nguy hiểm.
Không nên mất bình tĩnh khi thang máy gặp sự cố
Những nguyên nhân khiến thang máy gặp sự cố
Trước hết bạn nên nhớ một chiếc thang máy đạt chất lượng và an toàn thì luôn có công nghệ, tiêu chuẩn rõ ràng. Nếu một chiếc thang có chất lượng thiết bị kém, dẫn đến chất lượng thang máy cũng không được đảm bảo, từ đó dẫn đến những sự cố trong quá trình vận hành.
Sau đây là một vài sự cố thường xảy ra trong thang máy:
– Thang máy bị mất điện. Nguyên nhân mất điện có thể do nguồn điện trong thang bị lỗi thiết bị hoặc do ngắt nguồn điện mà không có thông báo trước. Khi mất điện, thang sẽ ngừng và đèn trong thang cũng tắt.
– Thang máy bị hỏng hóc thiết bị. Bất kỳ một bộ phận thiết bị nào gặp sự cố hay hỏng hóc đều ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ thang máy.
– Lỗi hệ thống điều khiển. Khi bạn thao tác trên bảng điều khiển trong cabin nhưng các nút không hoạt động.
– Cửa thang máy bị kẹt. Đây là sự cố mà cửa thang máy không thể mở ra khi đến tầng lựa chọn để người trong thang máy bước ra ngoài.
– Thang máy bị treo. Đây là sự cố thang máy bỗng dưng bị ngưng hoạt động do sự cố hỏng hóc các thiết bị tạo nên.
– Thang máy chạy quá tốc độ, rơi tự do. Đó là khi thang máy gặp sự cố chạy vượt quá tốc độ cho phép.
Kỹ năng xử lý nếu thang máy gặp sự cố
– Trước hết, dù thang máy gặp sự cố như thế nào bạn cũng cần phải giữ thái độ bình tĩnh để đưa ra những quyết định sáng suốt. Bạn phải luôn nhớ khi bạn gặp sự cố thang máy bị kẹt hay ngừng hoạt động không có nghĩa là bạn sẽ gặp nguy hiểm. Khi thang máy gặp sự cố, hãy bấm nút mở cửa, nếu thang máy vẫn đứng yên thì bạn mới nên bấm chuông cứu hộ hoặc kêu cứu.
– Nếu đi chung với mọi người trong thang máy, bạn cũng cần phải giúp mọi người giữ bình tĩnh, cùng nhau tìm ra cách xử lý đúng đắn để có những giải pháp an toàn nhất.
– Nếu bạn bị chứng sợ không gian hẹp thì lại càng phải bình tĩnh. Khi ở trong chiếc thang máy gặp sự cố bạn luôn hít thở sâu và đều, không hoảng loạn.
– Nếu mang theo điện thoại bạn hãy liên lạc với bên ngoài, gọi cho người thân, bạn bè, đội cứu hộ… để được giải cứu nhanh nhất có thể.
– Nếu trong thang máy không có sóng điện thoại hoặc không mang theo điện thoại, bạn hãy tìm cách tạo ra tiếng động để khiến người bên ngoài chú ý tới và tìm cách giải cứu.
– Khi thang máy gặp sự cố mất điện, thang máy tối om, bạn hãy nhắm mắt để quen với bóng tối. Bạn phải luôn thật bình tĩnh, không cố nạy cửa, hãy đứng dựa lưng vào tường, đầu gối hơi khuỵu xuống, tay bám chắc vào thành, hít thở đều. Bạn hãy tin mọi người đang giúp bạn từ bên ngoài.
Không cố nạy cửa khi thang máy gặp sự cố kẹt cửa
Tuyệt đối không nên làm những việc sau khi thang máy gặp sự cố
– Tuyệt đối không tìm cách cậy cửa thang máy nếu nút mở cửa không hoạt động. Nếu cửa thang máy chỉ mở một khoảng nhỏ, bạn cũng không nên cố gắng trèo ra ngoài, vì trường hợp thang máy hoạt động lại, bạn sẽ có nguy cơ bị kẹp rất cao.
– Tuyệt đối không trèo lên cửa thoát hiểm phía trên nóc cabin khi đội cứu hộ chưa tới. Điều này rất nguy hiểm do trên đó có nhiều thiết bị điện, dầu mỡ trơn trượt.
– Nếu cứu hộ tới, hãy bình tĩnh đừng nôn nóng khi chưa được nhân viên cứu hộ ra dấu hiệu thoát hiểm, đặc biệt khi thang đang dừng ở giữa tầng.