Hố thang máy (Shaft Elevator) được hiểu là một trục thẳng đứng của tòa nhà, chứa không gian mà bên trong nó, một thiết bị nâng có thể được di chuyển cả chiều lên và xuống. Bên trong trục hố thang máy (Hoistway) thường bao gồm: đáy giếng thang (PIT), các đà sàn và đà trung gian nằm ngang neo ray dẫn hướng, vách tường bọc chung quanh, phòng đặt máy kéo và tủ điều khiển trung tâm (đối với thang có phòng máy), đỉnh giếng thang với móc treo palant phục vụ công tác lắp đặt thang máy và sửa chữa về sau.

Tại sao phải tính toán và xây dựng hố thang máy , cầu thang bộ đầu tiên khi bắt đầu xây dựng tòa nhà?

Bởi vì, trong hầu hết các trường hợp, cầu thang bộ và thang máy tòa nhà cao tầng là một phần cơ bản của cấu trúc hỗ trợ của các tầng và để đảm bảo khả năng chịu lực của móng beton và độ ổn định của cả tòa nhà. Có thể xem lõi trung tâm của tòa nhà chính là trục hố thang máy, cầu thang bộ vừa là công cụ để di chuyển mà cũng là đường dẫn không khí thông thoáng, thoát hiểm khi hỏa hoạn cho cả tòa nhà. Ngoài ra, các trục này còn có vai trò giằng ngang liên quan đến độ ổn định tải trọng từ bên ngoài tòa nhà như lực gió, hoặc các dao động địa chấn như động đất….

Do đó, trước khi đổ beton móng tòa nhà, kiến trúc sư thường ưu tiên thiết kế lõi trục hố thang máy, cầu thang bộ và tính toán khả năng chịu lực tối đa để ép cọc beton phù hợp với tải trọng yêu cầu. Trong một số trường hợp, hố thang máy vẫn có thể lắp đặt bằng khung thép, tuy nhiên phần đáy giếng thang (PIT) vẫn phải được đào sâu và đỗ beton thép với kích thước quy định tùy theo tải trọng và tốc độ thang máy được thiết kế.

Kích thước hố thang máy phụ thuộc yếu tố gì?

Kích thước hố thang máy phải xây dựng phụ thuộc vào kích thước cabin thang máy với công suất và tải trọng cần thiết để lưu chuyển mọi người trong tòa nhà. Ví dụ, một tòa nhà văn phòng sẽ yêu cầu cabin thang máy rộng hơn so với thang máy hộ gia đình để cho một nhóm lớn người vào và ra có trật tự.

Sau khi đã xác định vị trí xây dựng hố thang máy, bạn cần phải quan tâm các vấn đề như sau:

  • Bạn đang thiết kế một tòa nhà văn phòng hay tòa nhà chung cư?
  • Có bao nhiêu thang máy cần thiết để đáp ứng công năng vận chuyển hành khách cho 2 trường hợp trên?
  • Nếu bạn yêu cầu vận chuyển 1000 người trong suốt 1 ngày, bạn cần bao nhiêu thang máy?
  • Tòa nhà của bạn có cần thang máy dịch vụ hay thang máy tải hàng hay không?
  • Bạn sẽ sử dụng thang máy có phòng máy hay không phòng máy?

Kích thước hố thang máy dựa trên một số yếu tố bao gồm:

  • Sức chứa.
  • Số lượng hành khách dự kiến.
  • Tốc độ.
  • Số lượng thang máy.
  • Bố trí mặt bằng sàn của kiến trúc sư.

Thông số hố thang máy tải khách có phòng máy

PIT thang máy- Đáy giếng thang

PIT thang máy là phần cuối cùng của trục thang máy. Phạm vi của nó tính từ mặt sàn bằng tầng của điểm dừng cuối cùng đến đáy beton của giếng thang. Khu vực PIT thang máy bao gồm bộ giảm chấn cao su hoặc lò xo, các giới hạn điện chống vượt vị trí an toàn, và bộ hãm cơ khí liên động chống vượt tốc độ định mức cho phép (Governor). Trong đó, bộ đệm giảm chấn cho thang máy là một thiết bị được thiết kế trong trường hợp khẩn cấp, sẽ ngăn chặn và tiêu tán động năng khi cabin hoặc đối trọng thang máy có tốc độ vượt quá định mức, vi phạm giới hạn cho phép ở điểm dừng cuối của giếng thang.

Độ sâu PIT thang máy có tiêu chuẩn từ 1400 đến 1600 mm tùy theo tốc độ của thang máy tải khách (1m/s đến 2m/s). Đối với thang máy gia đinh có tải trọng nhỏ và tốc độ thấp từ 0,25 đến 0,5 m/s thì độ sâu PIT chỉ cần khoảng từ 500 đến 800 mm.

Lưu ý: Sàn đáy hố PIT phải có móng chịu lực tùy theo tải trọng thang và được chống thấm tuyệt đối. Các vách thành hố PIT phải được đúc beton có lưới thép chống sạt lở.

Overhead thang máy (OH)

Overhead thang máy là thuật ngữ nói về khoảng không gian được chỉ định tính từ mặt sàn của điểm dừng trên cùng đến đà và sàn beton đặt máy kéo ( đối với thang có phòng máy). Riêng đối với thang không phòng máy, thì tầng Overhead còn bao gồm khu vực đặt máy kéo đến đỉnh móc treo Palant.

Tại khu vực Overhead luôn được lắp đặt các giới hạn an toàn điện như bên dưới hố PIT để chống tình trạng vượt vị trí sàn bằng tầng cho phép

Chiều cao đỉnh giếng thang OH (thang có phòng máy, máy kéo có hộp số)) có phạm vi trong khoảng trung bình từ 4200 đến 4500 mm tùy thuộc vào tải trọng và tốc độ ( 1 m/s đến 2 m/s). Phạm vi an toàn này còn giúp thang chuyển động và dừng ở tầng trên cùng êm tương đương như các tầng bên dưới, vì đây là vị trí phòng thang cabin ở gần máy kéo nhất dễ bị rung động lan truyền của cáp từ các pully dẫn hướng.

Riêng đối với thang không phòng máy (máy kéo không hộp số) vì tòa nhà bị giới chiêu cao, thì tầng OH (đã bao gồm khu vực đặt máy) có chiều cao từ 4200 đến 4800 mm.

Phòng máy

Phòng máy (Machine Room) thường được đặt ở vị trí tầng thượng hoặc tầng kế tiếp của điểm dừng thang máy trên cùng. Không gian phòng máy chứa hệ thống máy kéo, bộ hãm vượt tốc Governor và tủ điện điều khiển trung tâm. Trong một số trường hợp bị không chế chiều cao, phòng máy được đặt ở mặt bên hố thang máy của tầng OH hoặc ở tầng dưới cùng nhờ hệ thống thống pully dẫn hướng phụ trợ. Tại đỉnh phòng máy tiêu chuẩn luôn được xây dựng đà beton kèm móc treo PALANT ở vị trí của tâm cabin, phục vụ cho công tác lắp đặt và sửa chữa, nâng cấp thang máy về sau này.

Phòng máy phải được xây dựng chống dột, thông thoáng nhờ các lổ thông gió hoặc quạt phụ trợ. Phòng máy có chiều cao tối thiểu 1800 mm để không phải chạm đầu nhân viên vận hành. Phòng máy phải có cửa và khóa an toàn ngăn chặn tai nạn cho người không có thẩm quyền bước vào. Hệ thống chiếu sáng và CB nguồn khẩn cấp luôn được trang bị bên trong khu vực này.